Trong môi trường online cạnh tranh khốc liệt ngày nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới việc hỗ trợ khách hàng trực tuyến. Theo công ty tư vấn Andersen, gần 62% người tiêu dùng online nói rằng họ sẽ mua nhiều hàng hóa hơn nếu được hỗ trợ trực tuyến. Cũng chính vì lí do đó, ngày càng có nhiều phần mềm chat trực tuyến ra đời để có thể nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng.
Với phần mềm chat trực tuyến, bạn có thể chủ động chat và tương tác với từng khách truy cập trên website. Đồng thời, bạn cũng có thể trả lời câu hỏi và giải quyết vấn đề khách đang gặp phải một cách nhanh chóng. Tất cả những thứ bạn cần chỉ là một thiết bị kết nối Internet.
Năm lợi ích khi sử dụng phần mềm chat trực tuyến dưới đây sẽ khiến bạn hiểu rõ hơn:
1. Tăng sự hài lòng của khách hàng
Ngày nay, khi Internet phát triển, việc tìm kiếm thông tin được thực hiện rất dễ dàng và nhanh chóng chỉ với một vài click chuột, khách hàng dường như ít kiên nhẫn hơn. Điện thoại và email là không đủ để hỗ trợ khách hàng tốt nhất. Có thể bạn quá bận rộn để trả lời điện thoại của khách hàng hoặc mất rất nhiều thời gian để hồi đáp hàng trăm email gửi đến. Tất cả những bất lợi trên có thể khắc phục bằng việc sử dụng phần mềm chat trực tuyến, khách truy cập sẽ có thể kết nối với bạn chỉ trong tích tắc.
2. Tiết kiệm chi phí hoạt động
Hầu hết phần mềm chat trực tuyến đều cho phép chat cùng lúc với năm hoặc nhiều hơn khách truy cập cùng một lúc. So với việc sử dụng điện thoại hỗ trợ khách hàng, phần mềm chat trực tuyến hiệu quả hơn đồng thời giảm thiểu chi phí thuê thêm nhân viên hỗ trợ và chi phí viễn thông.
3. Tăng doanh số bằng việc chủ động chat
Cũng như các cửa hàng bán hàng truyền thống, nếu bạn nhìn thấy khách hàng của mình đang phân vân lựa chọn, bạn có thể chủ động hỏi họ xem có cần giúp đỡ gì không. Nay với phần mềm chat trực tuyến, bạn cũng có thể chủ động trợ giúp khách ngay trên website. Bạn có thể theo dõi hành vi mua hàng của khách hàng, họ đang ở mục nào trên website của bạn để từ đó có thể hỗ trợ tốt hơn. Ví dụ như nếu bạn thấy khách truy cập đang dừng lại lâu ở bước kiểm tra giỏ hàng và thanh toán, bạn có thể chủ động đưa ra đề nghị thực hiện tiếp giúp họ.
4. Theo dõi và quản lý khách truy cập
Bạn có thể thu thập hàng loạt những thông tin cơ bản về khách truy cập như trang web từ đó mà họ biết đến bạn, trình duyệt họ đang sử dụng, họ đến từ đâu, ở trên website của bạn bao lâu. Bạn cũng có thể biết được khách truy cập là khách mới hay cũ. Từ những thông tin trên, bạn có thể dễ dàng chọn cách tiếp cận với khách tốt nhất như là việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp hoặc thậm chí lựa chọn khách hàng tiềm năng để tập trung chăm sóc.
5. Quản lý sự phản hồi của khách hàng thông qua Khảo sát
Thông thường, khi kết thúc hội thoại giữa nhân viên tư vấn và khách truy cập, hệ thống có thể tự động gửi một khảo sát lấy phản hồi của khách hàng. Bằng việc đưa ra những câu hỏi đơn giản như “Bạn có sẵn sàng giới thiệu công ty chúng tôi tới bạn bè hay đồng nghiệp của bạn không?”. Bạn có thể theo sát khách truy cập, đồng thời có thể thay đổi, điều chỉnh cho hấp dẫn với họ hơn. Khách truy cập có thể đánh giá dựa trên thang điểm từ 0-10.
Hương Bùi (Subiz.com)