Dù có tuổi đời rất trẻ, nhưng CNTT đã có rất nhiều thời khắc đáng nhớ. Jack Wallen đã theo dòng thời sự và chọn ra 10 sự kiện đáng nhớ nhất. Tất nhiên, thật khó để chọn ra 10 sự kiện tiêu biểu từ góc nhìn của một cá nhân, nhưng Jack đã cố gắng để có đủ phần lớn các sự kiện quan trọng.
1. Sự phát triển của ngôn ngữ Cobol (1959)
Có rất nhiều ngôn ngữ máy tính, tuy nhiên không có nhiều ngôn ngữ có thể để lại sức ảnh hưởng lớn như COBOL. Trên thực tế vẫn còn rất nhiều máy sử dụng COBOL cũng như chạy các ứng dụng của nó. Các ứng dụng cũng có thể được viết lại bằng những tiêu chuẩn hiện đại hơn tuy nhiên nhiều chuyên viên CNTT không có thời gian để viết lại các ứng dụng này thì vẫn tiếp tục sử dụng các chương trình cũ.
2. Sự phát triển của ARPANET (1969)
Có một thực tế không ai có thể phủ nhận được là ARPANET chính là tiền thân của Internet hiện đại. ARPANET được tạo ra bởi J.C.R. Licklider và mang một ý nghĩa là mạng máy tính cục bộ. Nếu không có ARPANET, cục diện ngành CNTT bây giờ có lẽ cũng thay đổi khá nhiều.
3. Sự ra đời của UNIX (1970)
Mặc dù nhiều người sẽ cho rằng Windows là hệ điều hành quan trọng nhất từng được tạo ra, tuy nhiên danh hiệu này phải trao cho UNIX. Hệ điều hành này được bắt đầu từ dự án của MIT và phòng thí nghiệm của AT&T. Nó đã trở thành hệ điều hành đầu tiên cho phép nhiều người đăng nhập trong cùng một thời điểm. Đây cũng đồng thời là sự ra đời của một môi trường đa người dùng.
4. Chiếc laptop “vỏ sò” đầu tiên (1979)
William Moogridge, làm việc cho tập đoàn GRID Systems, đã thiết kế ra máy tính Compass, loại máy tính xách tay dạng gập. Sản phẩm được chính thức đưa vào thị trường năm 1991. Tandy cũng nhanh chóng mua GRID (vì công ty này giữ đến 20 bằng sáng chế) nhưng rồi sau đó lại bán lại cho AST.
5. Hệ điều hành Linux (1991)
Bạn không thể phủ nhận vai trò quan trọng của mã nguồn mở. Linux cũng là hệ điều hành đầu tiên giúp các sinh viên cũng như các công ty nhỏ nghĩ về những vấn đề quan trọng của hệ điều hành mà họ chưa từng nghĩ tới trước đó.
6. Hệ điều hành Windows 95 (1995)
Windows 95 đã tạo cho người sử dụng một cái nhìn trực quan, sinh động hơn với hệ điều hành này. Nó đã tạo ra một tiền đề về các thanh công cụ, trình đơn khởi động, các biểu tượng, và các bảng thông báo. Tất cả các hệ điều hành về sau đều lấy đây làm quy chuẩn để phát triển.
7. Bong bóng dot-com (những năm 1990)
Cuối những năm 90, có một cụm từ khá phổ biến là “dot-com company”. Thuật ngữ này ám chỉ các doanh nghiệp có trang chủ trên Internet và sử dụng tên miền cấp cao là .com (được viết tắt từ commercial có nghĩa là thương mại). Đây có lẽ là sự ứng dụng công nghệ thông tin vào trong kinh doanh đầu tiên. Rất nhiều doanh nghiệp đã có thể tiếp cận tới người tiêu dùng toàn cầu thông qua mạng lưới Internet, giúp họ thuận tiện hơn trong việc mua sắm đồng thời nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp.
8. Steve Jobs trở lại Apple (1996)
Có lẽ nếu Jobs không quay trở lại với Apple, thì iPod chưa chắc đã được đưa vào cuộc sống như ngày nay. Và một khi iPod không được đưa vào cuộc sống, Apple cũng sẽ không thể phát triển được nữa. Lúc đó có lẽ cũng sẽ không có hệ điều hành Mac OS X mà chỉ giới hạn lại ở Windows và Linux.
9. Sự ra đời của Napster (1999)
Đó chính là về chia sẻ tập tin. Bạn sẽ không thể nào phủ nhận được tầm quan trọng của chia sẻ thông qua giao thức P2P. Napster (và các giao thức P2P đầu tiên) có một sức ảnh hưởng khá lớn trong sự ra đời của giao thức BitTorrent.
10. Sự bắt đầu của Wikipedia (2000)
Wikipedia đã trở thành một trong những nguồn thông tin hàng đầu trên Internet và có một ý nghĩa xã hội rất tích cực. Wikipedia đã dần trở thành một bách khoa toàn thư mở với sự chung tay xây dựng của rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới.
VietnamBIZ (Theo thongtincongnghe.com).